Thơ Tú Xương được đánh giá là đặc sản của quê
hương Nam Định nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung. “Ăn chuối ngự, đọc thơ Tú
Xương” là truyền ngôn tự hào của người dân thành Nam về quê hương mình. Có thể nói, Tú
Xương là người đã tạo ra những biến đổi quan trọng trong văn chương nhà nho
cuối thế kỉ XIX. Tú Xương là nhà thơ được rất nhiều người quan tâm nghiên cứu,
với số lượng bài viết phê bình tương đối nhiều.
Đa phần các công trình
nghiên cứu tập trung khai thác ở khía cạnh trào lộng, nghệ thuật trào phúng, yếu tố trữ
tình, tính hiện đại... Cũng đã có công trình nghiên cứu và khảo sát thơ Tú Xương một cách
hệ thống để tìm ra nét hiện đại trong thơ ông nhưng đều chưa thể hiện được dòng chảy
liền mạch từ nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử đến nhà nho thị dân.
Khái niệm nhà nho thị dân được gọi tên lần đầu ở luận án Thơ Tú Xương trong tiến
trình hiện đại hoá văn học Việt Nam của Đoàn Hồng Nguyên. Có thể nói, nhà nho thị dân là
loại hình nhà nho mới xuất hiện khi xã hội đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ.
Do vậy việc đặt Tú Xương trong cái nhìn tổng quan theo chiều lịch đại của văn
chương nhà nho, cũng như soi sáng dưới góc nhìn văn hóa buổi đầu giao thoa đông- tây,
của môi trường bước đầu đô thị hóa tiền tư bản sẽ quán chiếu toàn diện về tư tưởng và
tâm hồn của nhà nho thị dân này. Chúng tôi chọn đề tài Yếu tố phi truyền thống trong
thơ Trần Tế Xương với mong muốn nhìn nhận Tú Xương trong mạch văn học trung đại, đã
có những yếu tố khác lạ so với văn học truyền thống, chứ không chủ ý áp đặt
quan điểm, cái nhìn hiện đại để tìm ra nét hiện đại trong thơ ông. Trong dòng văn học
trung đại, Tú Xương là nhà nho thị dân đầu tiên, nên tư tưởng và tâm hồn có những
nét đặc biệt, hứa hẹn sự khám phá thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét